Cao Bằng - 520 năm hào khí đất thiêng

Thứ năm - 03/10/2019 22:22
Những ngày đầu tháng Mười, cả tỉnh và thành phố Cao Bằng rợp cờ hoa, biểu ngữ như hòa cùng niềm hân hoan của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đông đảo du khách tham gia các hoạt động kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499 - 2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019). Qua trang sử hàng nghìn năm hào hùng của dân tộc, người dân nơi đây luôn có lòng yêu nước nồng nàn, trí tuệ và tinh hoa lao động sáng tạo, vun đắp văn hóa đặc sắc. Trong những ngày lễ hội trọng đại này, hào khí đất thiêng tiếp tục tỏa sáng với bạn bè bốn phương.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ kỷ niệm.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ kỷ niệm.

BẢN HÙNG CA VANG VỌNG NGÀY HỘI LỚN

Cao Bằng đón bạn bè bốn phương trên tuyến đường mới từ Khu đô thị mới km 5 Đề Thám đến cầu Sông Hiến, rồi đến phố Vườn Cam, phố Cũ, phố đi bộ Kim Đồng, trung tâm Thành phố... được xây dựng bề thế, khang trang, đèn điện sáng lung linh, rực rỡ cờ hoa. Từng dòng người tấp nập dạo chơi, ngắm cảnh phố phường, tham gia hoạt động văn nghệ, thể thao, ẩm thực đặc sắc. Người dân tự hào về Thành phố hôm nay, thuở trước đây là trung tâm trấn Cao Bằng tấp nập trên bến dưới thuyền, giao thương đường thủy “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/Bốn bề tứ trụ đứng chon von”...

Mỗi bước chân du khách đi trên phố phường hôm nay là trải nghiệm một nền văn hóa, lịch sử đặc sắc từ nghìn năm vẫn đang hiện hữu. Không gian xưa hiện lên với bản hùng ca vang vọng truyền thống của cha ông vào trong tâm khảm mỗi người. Non nước Cao Bằng hiện lên cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, giang sơn cẩm tú, sơn thủy hữu tình với nhiều địa danh nổi tiếng: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, suối Lê-nin, núi Các Mác...

Sống trên vùng biên viễn, từ xa xưa, các dân tộc Cao Bằng có truyền thống anh hùng, bất khuất dẹp giặc ngoại xâm từ phương Bắc tràn xuống, trở thành “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc, hình thành hào khí địa linh nhân kiệt. Nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của Cao Bằng, thời vua Lê Hiến Tông (1497 - 1504), năm Cảnh Thống thứ hai 1499, nhà Lê quyết định tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên để thành lập trấn Cao Bằng với nhiệm vụ quan trọng trấn ải biên thùy phía Bắc của Tổ quốc.

Với truyền thống lịch sử hào hùng, Cao Bằng trở thành nơi khởi đầu dòng thác cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc. Mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã chọn Cao Bằng làm nơi đặt chân đầu tiên trở về Tổ quốc và xây dựng căn cứ địa cách mạng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng, trong đó rất nhiều người con ưu tú như: Hoàng Đình Giong, Hoàng Như, Hoàng Sâm... một lòng thủy chung, son sắt, vượt mọi gian khổ, hiểm nguy theo con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Trong niềm vui đến với Cao Bằng, ông Lê Vinh, du khách Hà Nội, là học giả chuyên nghiên cứu về dân tộc học, phấn khởi tâm sự: Tôi đã đi nhiều tỉnh trong cả nước nghiên cứu văn hóa, dân tộc học, thấy Cao Bằng có bề dày về văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm rạng rỡ văn hiến nước Việt Nam, là “phên dậu” vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

TRẢY HỘI TRÊN “XỨ SỞ THẦN TIÊN”

Trên vùng đất Cao Bằng, mỗi dãy núi, dòng sông, vùng dân cư, thắng cảnh đẹp đều gắn với tinh hoa văn hóa, lịch sử được bảo tồn, gìn giữ, hiện hữu trong đời sống hằng ngày. Vì thế, năm 2018, non nước Cao Bằng tự hào được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu, được xướng danh vẻ đẹp “Xứ sở thần tiên” sánh với bạn bè quốc tế. Trong những ngày lễ trọng đại này, bạn bè bốn phương đến đây được trải nghiệm, thưởng thức, khám phá nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống đặc sắc.

Chợ ẩm thực hấp dẫn du khách bởi hàng trăm đặc sản nổi tiếng các vùng miền Cao Bằng. Bước vào đây, du khách hòa mình vào không gian kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày, Nùng. Có lẽ ai cũng đều khó cưỡng lại sự hấp dẫn của những món ẩm thực nhiều màu sắc, đậm đà hương vị: vịt quay, lợn quay lá mác mật, xôi ngũ sắc, xôi trám, bánh chưng đen, cốm hạt dẻ thơm ngào ngạt hương gạo nếp Pì Pất, gạo nếp Ong, thạch đen, thạch trắng mát lành... Các quầy bán hàng đặc sản tấp nập du khách mua miến dong Nguyên Bình, măng khô, thịt bò Mông, thịt lợn đen hun khói, thịt chua, chè Tiên, hà thủ ô, bánh khảo, khẩu sli Nà Giàng, rượu ngô ủ men lá thơm nồng nàn... Màn đêm buông xuống, không gian như bừng sáng bởi đèn trang trí nhiều sắc màu, du khách cuốn hút vào các trò chơi dân gian của dân tộc Tày, Nùng: nhảy dây, đi cà kheo, đánh chuyền, chơi ô ăn quan... Chị Phạm Mai Lan, du khách Nam Định chia sẻ: Đến tuyến phố đi bộ Kim Đồng, tôi được hòa mình vào không gian văn hóa bản địa đặc sắc, ngắm nhìn tận mắt cọn nước, ăn vịt quay, phở chua... thật thú vị, hấp dẫn. Tôi muốn ở lại Cao Bằng lâu hơn để trải nghiệm về văn hóa, con người nơi đây.

Giữa trung tâm tuyến phố đi bộ, bên cọn nước, các chàng trai, cô gái cất lời Then, Sli, lượn và uyển chuyển điệu múa tạo nên không gian âm nhạc đặc sắc. Thu hút đông đảo người xem, cổ vũ là bàn “Lày cỏ” - “Sai mạ”. Còn rất nhiều trò chơi ô ăn quan, đánh chắt, đánh chuyền, chơi cá ngựa, đi cà kheo... được nhiều bạn trẻ hứng khởi tham gia, chật kín tuyến phố. Cùng với vui chơi, thưởng thức ẩm thực đặc sắc, người dân nơi đây và du khách còn háo hức đến xem Cuộc thi Người đẹp du lịch Non nước Cao Bằng, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đông đảo người xem đều hưởng ứng, cổ vũ bởi mỗi người đẹp đến tham dự cuộc thi đều thể hiện nét đẹp đặc trưng trong thuần phong mỹ tục người Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô tỉnh Cao Bằng và khu vực Việt Bắc. Top 25 thí sinh lọt vào vòng chung kết mặc trang phục truyền thống dân tộc đến thác Bản Giốc (Trùng Khánh) ghi hình, chụp ảnh để quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về nét đẹp đất và người Cao Bằng. Danh hiệu Người đẹp du lịch Non nước Cao Bằng sẽ đảm nhận vai trò là đại sứ du lịch của tỉnh.

MUÔN LÒNG THEO LỜI BÁC SÁNG TƯƠNG LAI

Đúng 20 giờ, tối 3/10/2019, muôn ánh mắt, vạn tấm lòng dõi theo Lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung tâm Thành phố. Lễ chào cờ diễn ra trong không khí trang nghiêm, với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự và tự hào đón đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương dự lễ kỷ niệm. Lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng còn được nhân lên niềm vui, thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng khi Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh báo công dâng lên Bác về kết quả 50 năm (1969 - 2019) Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lễ kỷ niệm là dịp để mỗi người dân thêm trân trọng, tự hào, qua đó tiếp thêm tinh thần, ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên quyết tâm xây dựng Cao Bằng ngày càng giàu đẹp, trở thành tỉnh gương mẫu như Bác Hồ đã căn dặn.

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng bộ tỉnh xây dựng hệ thống chính trị vững chắc, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về du lịch - dịch vụ, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu từng bước được khai thác hiệu quả. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia.

Tại lễ kỷ niệm, Chương trình nghệ thuật hoành tráng với chủ đề “Non nước Cao Bằng” gồm 3 chương: “Hoa gấm vùng biên”, “Ngôi sao cách mạng”, “Theo chân Bác” được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, trên nền nhạc truyền thống hát Then - đàn tính, câu Sli, lượn réo rắt, ngọt ngào với sắc màu trang phục sặc sỡ, các điệu múa dân gian đặc sắc của 9 dân tộc anh em quần cư sinh sống từ lâu đời mở ra sự đa dạng sắc màu văn hóa bản địa, cuốn hút người xem… Đồng thời thể hiện tình cảm của quê hương cách mạng đối với Bác Hồ kính yêu.

Trong không khí âm nhạc sôi nổi, hoành tráng với màn bắn pháo hoa rực sáng như tiếp thêm sức mạnh, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn hướng về tương lai.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ed
ditichdacbietpacbo
s
a
 
Liên kết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,103
  • Tháng hiện tại1,356
  • Tổng lượt truy cập1,138,176
g
CHUYÊN TRANG TUYÊN TRUYỀN LỄ KỶ NIỆM 520 NĂM THÀNH LẬP TỈNH CAO BẰNG (1499 - 2019);
50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1969 -2019)

Email: portal@caobang.gov.vn - Điện thoại: 02063.852.139
Địa chỉ: Số 011 - Đường Hoàng Đình Giong - Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây