Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Công bố di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc

Thứ sáu - 23/11/2018 21:45
Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Công bố di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc

1. Công viên địa chất non nước Cao Bằng

       Ngày 12-4-2018, tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (CVĐCTC). Với danh hiệu này, CVĐC non nước Cao Bằng trở thành CVĐC toàn cầu thứ 2 ở Việt nam, sau CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

       CVĐCTC UNESCO là một danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội..., tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể, bền vững.

       CVĐCTC UNESCO non nước​ Cao Bằng có diện tích hơn 3.072 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo trong đó có nhiều di sản có giá trị tầm cỡ quốc tế, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.

       CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao… và đặc biệt Thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới, nằm giữa 02 biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

       CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm  từ 20.000 năm trước và đã từng là cố đô của một số triều đại phong kiến, và đặc biệt, là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

       Đến thời điểm hiện tại tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác 03 tuyến du lịch địa chất trong vùng CVĐC non nước Cao Bằng theo sự tư vấn của chuyên gia UNESCO, cụ thể: 

(1). Tuyến số 1 - Tuyến Du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc – vùng  núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình);

(2). Tuyến số 2 - Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng);

(3). Tuyến số 3 - Tuyến Du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” (gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang).

Với tổng cộng:

  • 43 Điểm tham quan du lịch ngắm cảnh.
  • 05 Trung tâm thông tin, điểm trưng bày tuyên truyền CVĐC.
  • 03 Cụm tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa.
  • Phát triển 20 đối tác CVĐC.
  • 21 Bãi đỗ xe, dừng chân ngắm cảnh.
  • 29 Biển báo (SP) điểm CVĐC.
  • 34 Biển thuyết minh (IP) tại điểm di sản.
  • 9 Biển Cổng chào/quảng bá CVĐC (A/E).

       Việc CVĐC non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận danh hiệu toàn cầu có vai trò quan trọng góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Danh hiệu này sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Cao Bằng, qua đó cải thiện thu nhập cho người dân sinh sống trong vùng công viên địa chất nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng; góp phần bảo vệ được môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa mọi giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, tận dụng được tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong các lĩnh vực: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, tăng cường thu hút đầu tư các khu du lịch trọng điểm nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

       Trong thời gian tới, Chính quyền tỉnh cao Bằng cam kết:

       1. Sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển danh hiệu toàn cầu của CVĐC non nước Cao Bằng phù hợp với các yêu cầu và quy định của UNESCO;Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng tại các điểm di sản, các khu điểm du lịch trong vùng CVĐC; Triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy hiệu quả mô hình CVĐC toàn cầu đem lại, đặc biệt trong các hoạt động gìn giữ và phát huy các gia trị di sản địa chất, văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, truyền thống dân tộc… đồng thời vẫn đảm bảo được việc bảo tồn các giá trị này cho trong tương lai.

       2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đào tạo nguồn nhân lực lao động du lịch tại địa phương. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh CVĐC non nước Cao Bằng và du lịch Cao Bằng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.

       3. Tổ chức Hội thảo quốc tế về phát huy giá trị mô hình CVĐC vào phát triển bền vững (phối hợp với CVĐC toàn cầu Hàn Quốc, tổ chức tại Cao Bằng vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018).

       4. Đẩy mạnh các hoạt động Điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản (văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất-địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học...); triển khai các dự án về chống sạt lở đất tại các điểm di sản; dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và khai thác nguồn tri thức bản địa trong vùng CVĐC.

       5. Lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản CVĐC Cao Bằng; Quy hoạch xây dựng CVĐC Cao Bằng.

2. Di tích quốc gia đặc biệt: Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng

       Tháng 6/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh và thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, lấy tên là chiến dịch Lê Hồng Phong II. Đây là chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

       Với tầm quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân và dân chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận, những lời kêu gọi động viên của Người làm cho toàn đảng, toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào Cao - Bắc - Lạng càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến dịch Biên giới. Sáng sớm 16/9/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đài quan sát của Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới tại đỉnh núi Báo Đông, Xóm Cốc Đứa theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê – Trận đánh mở màn cho chiến dịch Biên giới 1950.

       Trong khoảnh khắc Người đang chăm chú theo dõi trận đánh bằng ống nhòm trên đỉnh núi Báo Đông, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Năng An đã kịp thời chớp ống kính ghi lại và bức ảnh lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê ”, hình ảnh Bác Hồ đang quan sát mặt trận Đông Khê với thần thái của vị chỉ huy tối cao ánh trong khói lửa và niềm tin chiến thắng đã được giữ lại cho muôn đời.

       Khi quan sát mặt trận Đông Khê trên đỉnh núi Báo Đông Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tức cảnh làm bài thơ bằng chữ Hán:

          Huề trượng đăng sơn quan trận địa

          Vạn trùng sơn ủng vạn trùng  vân

          Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu

          Thề diệt sài lang xâm lược quân

       Dịch thơ:

          Chống gậy lên non xem trận địa

          Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

          Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu

          Thề diệt xâm lăng lũ sói, cầy

       Thực hiện phương châm “Đánh điểm diệt viện’’ đã được Đảng ủy mặt trận và Bộ chỉ huy chiến dịch thông qua và được Hồ Chủ tịch chuẩn y. Ngày 16/9/1950 Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới ra lệnh nổ súng tấn công cứ điểm Đông Khê, mở màn cho chiến dịch Biên giới 1950.

       Đến 4h30 sáng ngày 18-9, quân ta thọc sâu chiếm Sở chỉ huy, buộc số địch còn lại xin hàng, bắt Đại úy An-Li-Úc, chỉ huy trưởng cứ điểm Đông Khê và sĩ quan tham mưu. 10h ngày 18/9/1950 trung đoàn 174 và trung đoàn 209 đã hoàn toàn làm chủ thị trấn Đông Khê, tiêu diệt cứ điểm Đông Khê.

       Sau trận đánh mở màn then chốt đập tan cứ điểm Đông Khê, trận đánh tại Khau Luông diễn ra đêm 03/10 đến 04/10 năm 1950 lại giành thắng lợi, ta đã tiêu diệt được một phần lớn lực lượng của quân Lơ Pa-giơ, khống chế cả một vùng khá rộng lớn bên đường số 4. Đây là một trong những trận vận động quy mô lớn đầu tiên trên đường số 4 của quân đội nhân dân Việt Nam. Thắng lợi trong trận đánh Khau Luông đã đập tan kế hoạch hành quân Ti-nhít của thực dân Pháp tạo điều kiện cho ta thực hiện phương châm "nhử thú dữ vào tròng" để "khép vòng lưới thép" tiêu diệt chúng.

       Hai trận đánh Cốc Xá - điểm cao 477 tại xã Trọng Con, huyện Thạch An diễn ra từ ngày 05/10 đến 08/10/1950 ta đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu lực lượng cơ động mạnh của thực dân Pháp trên chiến trường Đông Dương. Đây là hai trận đánh then chốt tiêu biểu mang cấp chiến dịch đầu tiên của quân đội Nhân dân Việt Nam. Là trận đánh cấp chiến dịch tiêu diệt nhiều sinh lực địch nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của hai trận đánh Cốc Xá - điểm cao 477 tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hai binh đoàn Le Pa-giơ và Sác-tông quyết định cho chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950.

       Sau khi binh đoàn Le Pa-giơ và Sác-tông bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh, quân địch ở Thất Khê hoang mang dao động và tháo chạy, chớp thời cơ bộ đội ta truy kích địch, giải phóng Na Sầm (Lạng Sơn) hoảng sợ trước thất bại nặng nề, địch lần lượt tháo chạy khỏi Đồng Đăng, Lộc Bình, An Châu, Đình Lập (Lạng Sơn).

       Sau 29 ngày đêm chiến đấu liên tục từ ngày 16/9/1950 đến 14/10/1950 chiến dịch Biên giới 1950 kết thúc thắng lợi. Ta đã đánh và tiêu diệt gồm 10 tiểu đoàn địch, bằng 41% lực lượng cơ động chiến lược Pháp trên toàn cõi Đông Dương, loại khỏi vòng chiến đấu 8.296 tên bắt toàn bộ ban chỉ huy binh đoàn Le Pa-giơ và Sác-tông và ban chỉ huy cứ điểm Đông Khê, thu 3.000 tấn vũ khí, giải phóng hoàn toàn biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn).

       Chiến dịch Biên giới 1950 là chiến dịch có tầm quy mô lớn đầu tiên của quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, là chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt do sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc Phòng, Tổng Tư lệnh quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy mặt trận, chỉ huy trưởng chiến dịch. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên và là chiến dịch duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh vị tổng tư lệnh tối cao, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân và dân chiến đấu.

       Thắng lợi của chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950 chứng minh tính đúng đắn của đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ dựa vào sức mình là chính mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến.

Thực trạng quản lý di tích

* Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950 và cụm di tích cứ điểm Đông Khê.

       Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950, xã Đức Long gồm 07 di tích, trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 03 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

       Cụm di tích cứ điểm Đông Khê gồm 09 di tích, trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp quốc gia (Di tích Đồn Đông Khê).

       Năm 2007 Ủy ban Nhân dân huyện Thạch An quyết định thành lập Tổ quản lý khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng chiến dịch Biên giới 1950, tổ trực thuộc phòng Văn hóa - Thông tin huyện, do phó Phòng Văn hóa, Thông tin huyện làm tổ trưởng tổ quản lý. Tổ quản lý có chức năng, quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các cụm di tích: Cụm di tích cứ điểm Đông Khê, thị trấn Đông Khê; Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Biên giới 1950 xã Đức Long. Trụ sở tổ quản lý đóng tại trung tâm cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng chiến dịch Biên giới. Tổng biên chế: 07 người gồm 05 biên chế, 02 hợp đồng 68.

       Năm 2013 tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Biên giới 1950 tại xã Đức Long; Địa điểm Đồn Pháp xóm Bản Mới, xã Đức Long; Di tích Đồn Đông Khê, thị trấn Đông Khê giao cho phòng văn hóa - Thông tin huyện Thạch An quản lý và sử dụng.

Cụm di tích Khau Luông - xã Đức Xuân

       Có 01 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân xã Đức Xuân ra quyết định thành lập tổ quản lý di tích, do 01 Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng tổ quản lý di tích. Di tích hiện nay chưa được đầu tư tôn tạo, do đường xá đi lại khó khăn, lượng khách quan chưa nhiều chủ yếu là khách quan tự do.

* Cụm di tích Cốc Xá - Điểm cao 477, xã Trọng Con

       Có 02 di tích xếp hạng cấp tỉnh, sau khi di tích được xếp hạng Ủy ban Nhân dân xã Trọng Con đã ra quyết định thành lập tổ quản lý, do 01 Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng tổ quản lý di tích. Di tích hiện nay cơ bản giữ được nguyên trạng về cảnh quan. Di tích đến nay chưa được đầu tư tôn tạo, do đường xá đi lại khó khăn, lượng khách quan chưa nhiều chủ yếu là khách quan tự do.

       Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án thành lập Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng (Bao gồm ba di tích: Khu di tích Pác Bó, di tích Rừng Trần Hưng Đạo và di tích Các địa điểm di tích lịch sử chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) là một đơn vị sự nghiệp  trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng để quản lý bảo vệ và phát huy giá trị nhằm thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến tham quan học tập và nghiên cứu tại các di tích.

3. Chương trình hợp tác phát triển du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc"

       Nhận thức rõ vai trò, tiềm năng và lợi thế cùng với những hạn chế, trở ngại, thách thức đặt ra trong việc phát triển du lịch cần phải có sự kết nối, hợp tác phát triển. Trong những năm qua, các tỉnh nằm trong vùng chiến khu Việt Bắc đã liên kết hợp tác phát triển du lịch với mục đích cùng nhau bàn bạc, tìm các giải pháp tối ưu nhằm khai thác hợp lý các tài nguyên du lịch sẵn có, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch liên vùng nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch của vùng, khắc phục những khiếm khuyết của từng địa phương để toàn bộ khu vực trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

       - Năm 2018: tỉnh Cao Bằng đăng cai tổ chức từ ngày 23 – 27/11/2018, chương trình “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Cao Bằng, lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công bố Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình Du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc.

       Các hoạt động diễn ra tại tỉnh Cao Bằng năm 2018.

       Điểm nhấn trong chuỗi sự kiện là Chương trình khai mạc “Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công bố Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An là di tích Quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình Du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc” diễn ra vào lúc 20h00 - 22h00 tối ngày 24/11/2018 tại sân tượng đài Bác Hồ, trung tâm thành phố Cao Bằng (dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam).

       - “Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch Non nước Cao Bằng” diễn ra nhiều sự kiện: Từ ngày 23/11/2018 đến ngày 26/11/2018, tại khu vực vườn hoa trung tâm thành phố Cao Bằng:

+ Từ ngày 22/11/2018 đến ngày 25/11/2018 sẽ diễn ra các hoạt động thể thao giữa 06 tỉnh Việt Bắc. Tại Sân quần vợt Thái Dương, thành phố Cao Bằng thi đấu  môn Quần vợt; Sân vận động thành phố Cao Bằng tổ chức các môn thi đấu dân tộc: tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ; sân vườn hoa trung tâm thành phố Cao Bằng: môn Lày cỏ.

+ Từ 23/11/2018 đến ngày 26/11/2018 tại sân sau nhà văn hóa trung tâm có các gian hàng giới thiệu du lịch ẩm thực, trưng bày giới thiệu sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch 6 tỉnh vùng Việt Bắc; gian trưng bày giới thiệu sản vật địa phương của 13 huyện, thành phố tỉnh Cao Bằng. Triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc với chủ đề “ Trải nghiệm Việt Bắc- Khám phá Non nước Cao Bằng” tại sân trước nhà Văn hóa trung tâm tỉnh.

       - Ngày 25/11/2018, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Cao Bằng, diễn ra Liên hoan biểu diễn văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc của 6 tỉnh Việt Bắc. (Tỉnh Cao Bằng: Dân tộc Dao Đỏ, dân tộc Sán Chỉ; Tỉnh Lạng Sơn: Dân tộc Nùng Phàn Sình, dân tộc Dao Lù Gang; Tỉnh Thái Nguyên: Dân tộc Cao Lan, dân tộc Sán Dìu; Tỉnh Tuyên Quang: Dân tộc Dao Quần chẹt, dân tộc Mông Na Mièo; Tỉnh Hà Giang: Dân tộc Pà Thẻn, dân tộc Lô Lô Hoa; Tỉnh Bắc Kạn: Dân tộc Mông Trắng, dân tộc Tày).

       Nhìn chung qua các năm, từ năm 2009-2018 các tỉnh theo hình thức luân phiên đang cai tổ chức. Mỗi tỉnh đều có cách thức tổ chức quảng bá riêng, có chương trình kế hoạch cụ thể gắn kết các chuỗi sự kiện của tỉnh mình với các tỉnh trong khu vực tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền quảng bá. Đặc biệt phần nghi lễ khai mạc được tổ chức công phu và trang trọng, có sự tham gia của các đại biểu trung ương, các đại biểu nước ngoài, các tỉnh trong khu vực, các hãng thông tấn báo chí và doanh nghiệp lữ hành trong nước. Chương trình khai mạc được dàn dựng công phu, đã giới thiệu quảng bá những đặc trưng văn hóa, thế mạnh du lịch vùng khu vực Việt Bắc, bước đầu có hiệu quả trong công tác phát triển du lịch các tỉnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ed
ditichdacbietpacbo
s
a
 
Liên kết
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay194
  • Tháng hiện tại6,618
  • Tổng lượt truy cập479,369
g
CHUYÊN TRANG TUYÊN TRUYỀN LỄ KỶ NIỆM 520 NĂM THÀNH LẬP TỈNH CAO BẰNG (1499 - 2019);
50 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1969 -2019)

Email: portal@caobang.gov.vn - Điện thoại: 02063.852.139
Địa chỉ: Số 011 - Đường Hoàng Đình Giong - Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây