Dịch vụ Homestay trong ngôi nhà sàn truyền thống người Lô Lô tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).
KHUỔI KHON - VỀ MIỀN VĂN HÓA LÔ LÔ
Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon thuộc xã Kim Cúc (Bảo Lạc) cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 120 km - nơi sinh sống của 60 hộ đều là dân tộc Lô Lô. Đây là một địa chỉ du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách quốc tế.
Để đến xóm Khuổi Khon, du khách phải đi qua những đoạn đường dốc đứng vắt ngang sườn núi. Nhìn từ xa, xóm Khuổi Khon đẹp như một bức tranh, nổi bật trên nền xanh của cây cối là những nếp nhà sàn còn giữ nguyên nét truyền thống. Hình ảnh những nương ngô xanh mướt đang trổ bắp, những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn trải dài lưng chừng núi; màu xanh của hoa lá, cỏ cây đan xen giữa sắc vàng của những nương lúa cạn và ruộng bậc thang khiến cảnh quan như một bức tranh bản làng miền biên viễn đẹp, thơ mộng.
Đến Khuổi Khon, du khách được khám phá kiến trúc nhà sàn của người dân tộc Lô Lô được xây dựng ở lưng chừng hoặc đỉnh núi hòa quyện cùng sương và mây trời. Bên cạnh đó, du khách sẽ được biết những câu chuyện về con người, phong tục tập quán, trang phục và truyền thống văn hóa đặc sắc riêng biệt của người Lô Lô đen… Để cảm nhận rõ hơn bản sắc văn hóa Lô Lô độc đáo, du khách nghỉ lại ngay trong những ngôi nhà sàn của người dân có dịch vụ Homestay để trực tiếp trải nghiệm vào các hoạt động hằng ngày cùng người dân trong xóm, như: chế biến các món ăn truyền thống; chăm sóc gia súc, gia cầm; thêu, dệt thổ cẩm; giao lưu văn nghệ…
PÁC RẰNG - NƠI LƯU GIỮ BẢN SẮC NGƯỜI NÙNG AN
Từ trung tâm thành phố Cao Bằng, theo quốc lộ 3 khoảng 35 km đến địa phận xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên). Xóm Pác Rằng có hơn 50 hộ gia đình, 100% dân tộc Nùng An, cư trú lâu đời. Theo đường bê tông chạy giữa những nương ngô vàng, rau xanh, đá xám, sẽ nghe thấy rõ nhất những âm thanh của búa, tiếng kéo bễ thổi hơi lò rèn và tiếng sắt nóng nhúng vào nước… bởi xóm có nghề rèn truyền thống. Dạo một vòng quanh xóm trên những con đường đã được đổ bê tông hoặc lát gạch thông thoáng, có hệ thống thu gom rác thải và đặc biệt là không có gia súc ở dưới gầm sàn. Trong xóm có 6 ngôi nhà sàn làm dịch vụ Homestay nằm tựa lưng vào vách núi, nhìn ra cánh đồng thoáng đãng, có khu công trình phụ khang trang, sạch sẽ...
Du khách nước ngoài đến tham quan xóm du lịch cộng đồng Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên).
Người dân nơi đây rất cởi mở, mến khách. Du khách sẽ được những người đàn ông nơi đây say sưa, tự hào chỉ cho những bí quyết của nghề rèn. Còn những người phụ nữ Nùng An kể về từng công đoạn trồng bông, cán bông, se sợi, dệt vải quanh năm rồi nhuộm chàm, phơi, khâu, thêu cả tháng trời để làm ra một bộ thổ cẩm đẹp và bền có thể sử dụng hàng chục năm. Được người dân dẫn đi tham quan những đám ruộng trước nhà với những hàng rào, bờ kè bằng đá rất vững chãi, dãi nắng dầm mưa cả trăm năm, không chỉ giúp bà con chống lở đất, giữ nước ở ruộng bậc thang mà còn tô điểm cho cảnh quan của xóm, là nét văn hóa độc đáo.
Các món ăn truyền thống đặc sắc luôn được chuẩn bị tươm tất nóng hổi, thơm ngon, như: khau nhục, rau dạ hiến xào thịt bò, lợn quay mác mật, cá suối chiên giòn… Đêm xuống, cùng các thành viên đội văn nghệ và đông đảo bà con hòa trong điệu hát Hèo phươn… say đắm lòng người.
HOÀI KHAO - HỘI TỤ TINH HOA DÂN TỘC DAO TIỀN
Xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) có 100% hộ là dân tộc Dao Tiền. Đây là quê hương của làn điệu páo dung quyến rũ, lễ cấp sắc độc đáo… Không chỉ có vậy, vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hiếm có, một quần thể núi, đồi, thung lũng, suối và những đồng lúa mênh mông.
Đến Hoài Khao, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian thoáng đãng nên thơ, kiến trúc độc đáo từ những ngôi nhà trình tường gắn bó lâu đời mà còn được sống trong môi trường du lịch thân thiện, đầm ấm và cùng tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Cùng với đó là nghề dệt thổ cẩm và trang trí hoa văn bằng nghệ thuật in sáp ong sẽ khiến du khách hoàn toàn bị lôi cuốn. Khi có du khách đến nghỉ chân, người dân Hoài Khao đón tiếp rất chu đáo, cởi mở. Nhâm nhi cùng chén rượu gạo thơm nồng mùi lúa cùng với những món ăn chứa đựng cả hương đất, hương trời nơi đây sẽ cho du khách cảm giác chếnh choáng say trong men tình nồng ấm của người dân miền sơn cước, nhất là khi được cùng họ quây quần bên bếp lửa nghe kể những điều thú vị về cuộc sống, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền.
Đặc biệt, nét độc đáo nhất, điểm nhấn quan trọng tạo nên sức hút của du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao không nơi khác có thể có được chính là những tổ ong khoái ở 2 hang động quanh xóm. Mùa xuân ong khoái về, lập thu lại bay đi, những con ong khoái để lại vỏ sáp, chính là nguyên liệu vô giá để những người phụ nữ nơi đây đun nấu thành sáp ong sử dụng in trên vải, tạo nên những hoa văn độc đáo trên bộ trang phục truyền thống. Đặc biệt, trước khi lấy vỏ sáp ong, người dân sẽ làm lễ cúng gọi ong khoái trở về. Nếu đến vào dịp tháng 6, 7 âm lịch du khách sẽ được “mục sở thị” lễ cúng “độc nhất vô nhị” này và đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên.
Ngoài những điểm du lịch cộng đồng đã, đang được các du khách trong nước, quốc tế biết và đến trải nghiệm khi đến Cao Bằng, hiện nay tại một số địa phương của tỉnh đang xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để triển khai một số điểm du lịch cộng đồng mới với nhiều hứa hẹn thú vị đang chờ du khách đến khám phá, như: Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Phục Hòa); Pác Búng, xã Độc Lập; xóm Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên); xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)… Trong thời gian không xa, du lịch cộng đồng sẽ là một mô hình phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh, không chỉ tôn vinh các giá trị truyền thống của nhân dân các dân tộc mà còn tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng; trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách về với non nước Cao Bằng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn