Vào 12 giờ 56 phút giờ Paris ngày 12-4, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO (CVĐCTC).
Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp thông qua Nghị quyết công nhận CVĐCTC Non Nước Cao Bằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành CVĐCTC thứ hai ở Việt Nam, sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 127 CVĐCTC UNESCO ở 35 quốc gia.
Thác Bản Giốc - thắng cảnh đẹp nằm trong Công viên Địa chất non nước Cao Bằng
CVĐCTC UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý-hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội..., tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một CVĐCTC UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.
Từ năm 2015, UBQG UNESCO đã giới thiệu với tỉnh Cao Bằng mô hình phát triển bền vững của CVĐCTC UNESCO. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và cộng đồng địa phương đã cùng Ban thư ký UBQG UNESCO (Bộ Ngoại giao) và Tiểu ban Kỹ thuật về CVĐCTC của UBQG (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) quyết tâm triển khai trên thực tế các bước xây dựng CVĐC Non Nước Cao Bằng, mời các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hồ sơ và kết nối với Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO (GGN) để nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO (tháng 11-2016). UBQG UNESCO Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng và người dân địa phương tiến hành các bước bảo vệ thành công hồ sơ trước các cơ quan uy tín quốc tế, bao gồm Nhóm Thẩm định CVĐCTC (tháng 7-2017) và Hội đồng CVĐCTC UNESCO (tháng 9-2017).
CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng có diện tích hơn 3275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.
CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao… và đặc biệt Thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.
CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến, và đặc biệt, là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Non nước Cao Bằng
Được UNESCO công nhận, CVĐC Non Nước Cao Bằng trở thành CVĐC Toàn cầu UNESCO thứ 5 của Đông Nam Á và thứ 2 của Việt Nam (sau Công viên đá Đồng Văn).
Danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO là một danh hiệu quan trọng của UNESCO trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Đây là một không gian địa lý lưu giữ di sản địa chất quan trọng ở quy mô thế giới. Di sản này cho phép biết được các biến động địa chất của Trái đất, những nguy cơ về núi lửa, động đất, sóng thần…để giúp đề ra các biện pháp giảm thiểu hậu quả. CVĐC Toàn cầu UNESCO còn lưu giữ những yếu tố liên quan tới biến đổi khí hậu thời gian qua, giúp cộng đồng chú ý tới việc bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên…
Cho tới nay, danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO là thể hiện là một mô hình phát triển kinh tế-xã hội rất hiệu quả, đảm bảo hài hòa giữa cả mục tiêu phát triển tại địa phương có di sản cũng như mục tiêu bảo vệ, bảo tồn di sản. Danh hiệu này đặc biệt trú trọng tới việc bảo vệ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng nơi có di sản, huy động cộng đồng trong công tác bảo tồn và khai thác hợp lý di sản. Trên thực tế, danh hiệu CVDDC Toàn cầu UNESCO được đánh giá là góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hiệp Quốc đề ra
Công viên địa chất non nước Cao Bằng
Công viên Địa chất (CVĐC) Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300 km, diện tích hơn 3000 km2, bao gồm 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay...
CVĐC Non Nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi bạn có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản..., đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất. Chúng xứng đáng là những di sản địa chất đặc sắc.
Bản đồ phân bố di sản trong Công viên địa chất non nước Cao Bằng
CVĐC Non Nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. CVĐC Non Nước Cao Bằng cũng nổi tiếng với phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu.
Ba "tuyến đường trải nghiệm" sẽ cho bạn cơ hội khám phá một phần CVĐC cũng như các đối tác của Công viên và người dân bản địa. Từng tuyến đều có thể đi về trong ngày, hoặc lâu hơn nếu có thời gian.
1. Tuyến tham quan "Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay" theo hướng tây, với các điểm dừng chân như: Di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, vonfram Lũng Mười và Bản Ổ, trang trại cá hồi Phia Đén, đồn điền chè Kolia và trọng tâm là Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén và Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo. Khởi từ sự hình thành một đại dương mới trên nền lục địa cổ cách ngày nay khoảng chừng 250 triệu năm, vùng đất này sau đó đã chứng kiến các hoạt động magma rộng khắp, với các lò "hỏa diệm sơn" mãnh liệt nhưng âm ỉ sâu trong lòng đất cách ngày nay khoảng chừng 85-95 triệu năm, gây ra những biến đổi mãnh liệt trong các tầng đá vây quanh. Đặc biệt là ở những pha cuối cùng, lò magma giầu chất bốc lại càng gây ra những biến đổi mãnh liệt hơn, trong đó có sự hình thành nhiều loại khoáng sản quý hiếm, có giá trị. Có điều lý thú là tùy thuộc vào thành phần đá vây quanh mà hình thành nên những loại khoáng sản khác nhau như vonfram ở Bản Ổ và Lũng Mười, thiếc ở Tĩnh Túc, Fluorite chứa xạ ở Bình Đường... Các vận động tạo núi sau này đã khiến vùng núi Phia Oắc nổi lên rất cao, trở thành một trong những nơi có địa hình cao nhất ở tỉnh Cao Bằng. Nét đặc biệt đó đã tạo nên những tiểu vùng khí hậu khác nhau từ chân lên đỉnh núi, khiến cho thảm thực vật theo đó cũng thay đổi vô cùng đa dạng và phong phú, với các hệ sinh thái đặc hữu như rừng rêu, rừng lùn... Khoáng sản và khí hậu sau này chính là những nguồn tài nguyên hấp dẫn người Pháp tới đây khám phá, khai thác, tạo nên những thay đổi lớn trong đời sống ở khu vực này. Nguồn quặng khai thác được từ đây đã được chuyển về Pháp và chính từ đó mà nữ bác học nổi tiếng thế giới Marie Curie đã phát hiện ra các nguyên tố phóng xạ mới Radi và Poloni, góp phần tạo nên những thay đổi quan trọng trong việc tìm hiểu các nguyên tố phóng xạ trên thế giới. "Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay" còn là cơ hội để giới thiệu với du khách Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 22-12-1944 đã cùng 34 chiến sỹ hình thành nên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để du khách có dịp trải nghiệm những bản sắc văn hóa, những sản vật địa phương của đồng bào dân tộc Dao.
2. Tuyến tham quan "Trở về nguồn cội" từ TP Cao Bằng ngược lên phía bắc, với các điểm dừng chân như: Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá, cảnh quan karst Kéo Yên, di chỉ hoạt động của đứt gãy Cao Bằng – Tiên Yên và trọng tâm là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn quãng đời hoạt động cách mạng 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyến hành trình này cũng đầy ắp các di tích lịch sử khác, như di tích thành Bản Phủ, di tích thành Nà Lữ cùng đền Vua Lê, di tích đền thờ Nùng Chí Cao, di tích lịch sử cách mạng mộ Kim Đồng... Du khách còn có cơ hội trải nghiệm thung lũng đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên nổi tiếng, địa hình karst trẻ dạng dãy, hang Pác Bó... Cùng với các món ẩm thực đặc sắc, các làng nghề thổ cẩm truyền thống Đào Ngạn, Phù Ngọc.
3. Tuyến tham quan "Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ xở thần tiên" về phía Đông: Bên cạnh cảnh quan karst trưởng thành và già đặc sắc, riêng có như quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, "sơn thần nhãn" cùng hàng chục điểm hóa thạch cổ sinh, di sản địa chất khác, du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống như làng rèn Phúc Sen, làng đá Khuổi Ky, làng hương Phja Thắp, làng bánh khảo Cáp Tao, Phi Hải cùng hàng chục lễ hội dân gian như pháo hoa Quảng Uyên, Nàng Hai Phục Hòa, lồng tồng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... để mở mùa gieo trồng mới, các trang phục truyền thống của dân tộc Tày, Nùng cùng các món ẩm thực như thịt lợn ướp bột gạo chua, lạp xường hun khói, thịt nướng, chả cuốn, vịt quay, lợn sữa quay nhồi lá mác mật vàng rộm. Hoặc các món ăn được khéo léo kết hợp nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng đặc sắc như ong đất xào măng, lẩu cá chua, xôi trám đen, rêu đá Tầu Quầy xào. Trong tuyến này có ngôi chùa lớn "Phật tích Trúc lâm Bản Giốc" cùng hệ thống khu nghỉ dưỡng cao cấp Sài Gòn-Bản Giốc.
Tác giả bài viết: D.Ngọc
Nguồn tin: nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn