Phong trào cách mạng châu Hà Quảng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hà Quảng được thành lập ngày 20/6/1931, do đồng chí Hoàng Tô làm Bí thư. Từ đó, các cơ sở cách mạng, cơ sở đảng đã phát triển mạnh ở các địa phương.
Năm 1938, Châu ủy Hà Quảng (thành lập từ tháng 5/1935) đã quyết định thành lập Chi bộ Đảng vùng Biên Khu (Biên giới - Lục Khu), gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hà Quảng, đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh của đồng bào vùng biên giới, tự nguyện tham gia các hội "Phòng phỉ". Với tinh thần giác ngộ cao, tin theo cách mạng, nhân dân sẵn sàng giúp đỡ về mọi mặt để nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ bí mật an toàn. Đường dây cách mạng phát triển tới Pác Bó, xã Trường Hà nối liền sang các xã. Châu ủy Hà Quảng khẳng định quyết tâm xây dựng vùng biên giới thành nơi đứng chân vững chắc của cách mạng tỉnh Cao Bằng.
Trong những năm 1938 - 1939, Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng căn cứ cách mạng ở vùng Lục Khu - Pác Bó, gồm 6 xã biên giới, trong đó có xã Trường Hà để tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phong trào "Hội đánh Tây", "Hội phòng phỉ"... Nhân dân xã Trường Hà đã giác ngộ hoàn toàn để bảo vệ cách mạng nên được coi là nơi hoạt động chủ yếu của Châu ủy Hà Quảng. Đó chính là điều kiện quan trọng "Địa lợi, nhân hòa", được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn tỉnh Cao Bằng là nơi về nước đầu tiên và chọn Pác Bó, xã Trường Hà làm nơi ở và làm việc, xây dựng căn cứ địa trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về nước đã vượt qua mốc 108 biên giới Việt - Trung về đến Pác Bó, xã Trường Hà. Nhân dân Pác Bó vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Bác trở về Tổ quốc. Pác Bó trở thành đại bản doanh của cách mạng Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí cán bộ cách mạng Trung ương như: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thụ, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh, Đặng Văn Cáp, Phùng Chí Kiên, Hoàng Sâm..., đã đến đây trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Trong những năm tháng hoạt động bí mật ở Pác Bó (1941 - 1945), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẩn trương cùng Trung ương Đảng hoạch định, hoàn thiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam. Người đã tổ chức thực hiện:
Hòa nhập với phong trào quần chúng, thể hiện tư tưởng cứu nước, cứu dân, thể hiện tình cảm cách mạng giữa người cách mạng với quần chúng và quần chúng đối với Người một cách sâu sắc.
Thí điểm Mặt trận Việt Minh, cuối tháng 4/1941 đã tổng kết phong trào thí điểm Mặt trận Việt Minh ở 3 châu: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình.
Từ ngày 10 - 19/5/1941, tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó, cán bộ và nhân dân xã Trường Hà đóng góp nhiều công sức để giúp đỡ và bảo vệ Hội nghị. Hội nghị Trung ương Đảng làn thứ VIII có ý nghĩa quyết định đối với bước phát triển của cách mạng Việt Nam và giành thắng lợi cách mạng sau này.
Từ thí điểm đến thành lập Mặt trận Việt Minh chính thức (tháng 5/1941) và Báo Việt Nam Độc lập - cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh ra đời, đã hình thành bộ máy chính quyền nhân dân từ Ban Việt Minh xã, huyện, tỉnh dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh.
Tại Pác Bó, xã Trường Hà, Bác đã biên soạn các tài liệu huấn luyện, lược dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, lấy đó để tổ chức đào tạo cán bộ cách mạng về chính trị, văn hóa, quân sự, mở rộng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng với toàn quốc. Đặc biệt là chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng: Từ Đội du kích Pác Bó đến việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân...
Từ căn cứ địa cách mạng này đã xây dựng và bảo đảm hệ thống đường dây liên lạc thông suốt với cách mạng trong nước “...Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được”. Đồng thời xây dựng mối quan hệ thông suốt và kịp thời giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, nắm bắt thời cơ để giành chính quyền cách mạng thắng lợi.
Tiêu biểu cho phong trào Việt Minh phát triển trong các tổ chức ''Hội cứu quốc" tại xã Trường Hà là "Nhi đồng cứu quốc" với sự thành lập của Đội Nhi đồng cứu quốc đầu tiên tại làng Nà Mạ (ngày 15/5/1941), tiền thân của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Đội có 5 đội viên đầu tiên do Nông Văn Dền (bí danh Kim Đồng) làm đội trưởng. Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ năm 1942 tại làng Nà Mạ và được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ giúp đỡ và bảo vệ cách mạng... Tại Bản Hoong, xã Trường Hà đã tổ chức Đại hội Mầm non văn hóa (1/1/1943) với hơn 1.000 hội viên cứu quốc toàn châu và đại biểu các châu trong tỉnh đến dự. Đại hội đã tổ chức thi về văn hóa, chính trị, quân sự, thể thao mà khi đó Báo Việt Nam Độc lập đã gửi tặng lá cờ đỏ thêu 4 chữ vàng "Gieo mầm văn hóa". Pác Bó, xã Trường Hà vinh dự được nhận danh hiệu lá cờ đầu trong phong trào học văn hóa của huyện, góp phần làm cho huyện Hà Quảng vinh dự nhận lá cờ luân lưu của tỉnh về thành tích học tập văn hóa.
Căn cứ địa cách mạng xã Trường Hà đã tạo điều kiện tốt để lãnh tụ Hồ Chí Minh thực hiện cuộc hành trình cách mạng từ Pác Bó đến Tân Trào (Tuyên Quang) tháng 5/1945 để tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến ngày thắng lợi.
Với sự hình thành và phát triển cách mạng vững mạnh, với sự đóng góp to lớn của nhân dân, những hoạt động của lãnh tụ Hồ Chí Minh tại căn cứ địa cách mạng xã Trường Hà đã trở thành dấu ấn lịch sử: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, trong đó có Khu di tích Anh hùng liệt sỹ Kim Đồng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, theo Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012. Xã Trường Hà đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là xã An toàn khu theo Quyết định số 988/QĐ-TTg, ngày 14/6/2014.
Nguồn tin: baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn