Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: KC)
Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra nhiều chủ trương và quyết định quan trọng chuẩn bị cho cuộc cách mạng Tháng Tám 1945: Chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám tại lán Khuổi Nặm - Pác Bó từ ngày 10/5 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị đã hoàn chỉnh đường lối chiến lược và sách lược, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương Đảng và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh.
Cũng tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam Độc Lập và ra số báo đầu tiên ngày 1/8/19411. Đến tháng 11/1941, Người đã chỉ đạo thành lập đội du kích Pác Bó, trở thành đội vũ trang Cao Bằng đầu tiên...
Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi lại nhiều nơi ở Cao Bằng, nhiều lần sang Trung Quốc để bắt liên lạc với lực lượng cách mạng Việt Nam và lực lượng đồng minh chống phát xít.
Ngày 04/5/1945, Người đã rời Pác Bó đi Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước (tháng 8/1945) thắng lợi...
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, Khu di tích lịch sử Pác Bó trở thành một trong những khu di tích quan trọng của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Sau khi Bác mất năm 1969, để tỏ òng thành kính đối với công lao vĩ đại của Bác và để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư, tôn tạo Khu di tích để phục vụ khách tham quan. Tháng 2 /1971, Nhà bảo tàng Pác Bó được khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Ngày 21/02/1975, Khu di tích Pác Bó đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử cách mạng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng Khu di tích vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Khu di tích Pác Bó vẫn duy trì hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ngày càng được quan tâm, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di tích ngày càng đông...
Hang Pác Bó (Ảnh: sưu tầm)
Để tỏ lòng thành kính cũng như sự tri ân đặc biệt đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 29/ 8/ 2007 Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 1146/QĐ - TTg , phê duyệt Đề án xây dựng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó tỉnh Cao Bằng. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Từ đó đến nay, Đề án đang từng bước triển khai và thực hiện. Ngoài việc bảo tồn giá trị di tích gốc, hàng loạt các công trình phụ trợ cũng từng bước được thực hiện, một trong những công trình quan trọng trong Đề án, đó là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi tưởng nhớ, khắc ghi công lao to lớn của Người đối với dân tộc, đồng thời cũng là nơi để nhân dân thể hiện lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước đối với mọi thế hệ người Việt Nam. Cùng đó là công trình Nhà Bảo tàng, các công trình cơ sở hạ tầng cũng đang dần được hoàn thiện...
Trên hành trình trở về "cội nguồn cách mạng" du khách có thể đến thăm cột mốc 108 (nay là mốc 675) - nơi Bác đặt bước chân đầu tiên sau 30 năm bôn ba nước ngoài; Nhà ông Lý Quốc súng, Hang Cốc Bó - nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc; bàn đá "chông chênh dịch sử Đảng"; suối Lênin, núi Các Mác, lán Khuổi Nặm...Tại Nhà Trưng bày ở Khu di tích, du khách sẽ thấy chiếc máy chữ, chiếc làn mây cũ, đôi dép cao su... mà Bác đã dùng. Tất cả những kỷ vật tưởng chừng bình dị này, song rất đỗi thiêng liêng bởi nó gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác và cách mạng Việt Nam trước năm 1945.
Khu di tích lịch sử Pác Bó là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, được Thủ tướng Chính Phủ ký Quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012. Đây là niềm vinh dự và tự hào của cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thực
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn